VUA QUANG TRUNG

VUA QUANG TRUNG THỐNG NHẤT NHÀ TÂY SƠN VÀ DỰNG NƯỚC

Thống nhất nhà Tây Sơn

Sau cái chết của Nguyễn Văn Duệ và sau đó là Vũ Văn Nhậm và diễn biến chiến trường Nam Bộ, vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) đã tỏ ra buông xuôi. Không thể kìm chế người em tài ba hơn mình, cuối năm 1788, ông từ bỏ đế hiệu và niên hiệu Thái Đức, chỉ xưng là “Tây Sơn vương”. Ông viết thư cho Nguyễn Huệ, chỉ xin giữ Quy Nhơn và nhường toàn bộ binh quyền, đất đai trong cả nước cho vua em; đồng thời ông cầu khẩn Nguyễn Huệ mang gấp đại binh vào cứu Nam bộ (chiếu lên ngôi của Quang Trung nói rõ vấn đề này).

Tuy nhiên lúc đó Nguyễn Huệ dù biết lời cầu khẩn của anh nhưng không thể vào nam tham chiến vì 20 vạn quân Thanh do Lê Chiêu Thống rước về đã vượt qua biên giới. Nguy cơ phía bắc rõ ràng lớn và gấp hơn nên Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung rồi kéo quân ra bắc và đã nhanh chóng đánh bại quân Thanh.

Sau khi đánh bại quân Thanh, Quang Trung trở thành nhà lãnh đạo tối cao của triều Tây Sơn và là vị Hoàng đế duy nhất cai trị tại Việt Nam (Nguyễn Nhạc đã bỏ đế hiệu, Lê Chiêu Thống đã chạy sang Trung Quốc, còn Nguyễn Ánh khi đó địa bàn còn nhỏ hẹp và chưa xưng đế). Tình hình với Quang Trung rất thuận lợi: ông có được uy tín lớn sau chiến công chống quân Thanh, được nhà Thanh công nhận là vị vua chính thống của Việt Nam (thay thế địa vị của nhà Hậu Lê), lại dẹp bỏ được mâu thuẫn trong nội bộ nhà Tây Sơn và nắm quyền lãnh đạo thống nhất (vua anh Nguyễn Nhạc đã bỏ đế hiệu, tự giáng xuống làm vương để tỏ ý quy phục sự lãnh đạo của ông).

Trên cơ sở đó, Quang Trung đã lập ra các chiến lược rất lớn nhằm triệt để đánh bại các thế lực đối địch còn lại để thống nhất đất nước. Sự nghiệp thống nhất đất nước, sáng lập một triều đại mới đã đến rất gần.

Đối nội, đối ngoại

Ngay sau chiến thắng Kỷ Dậu (Ngày 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789), Quang Trung vội trở lại Phú Xuân để đề phòng Nguyễn Ánh, trao lại binh quyền cho Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm.

Một mặt lo chống thù trong giặc ngoài, mặt khác vua Quang Trung rất quan tâm tới việc xây dựng đất nước. Vua khuyến khích người hiền tài ra giúp nước, phân phối đất đai cho những người nông dân nghèo, thúc đẩy thủ công nghiệp từng bị cấm trước kia, cho phép tự do tôn giáo, mở cửa Việt Nam với ngoại thương quốc tế và bỏ chữ Hán như là chữ viết chính thức. Chọn chữ viết chính thức của các khu vực Nguyễn Huệ cai trị là chữ Nôm.

Sau chiến thắng quân Thanh, Quang Trung quyết định dựng nghiệp lớn, việc đầu tiên là thành lập một kinh đô. Ông chọn đất Nghệ An để lập Trung Đô, tức Phượng Hoàng Trung Đô. Hoàng Xuân Hãn viết: “Có thể tin chắc rằng Phượng Hoàng trung đô ở khoảng giữa núi Mèo (núi Kỳ Lân) và núi Quyết. Địa thế thành rất dễ giữ. Phía trước có sông Cồn Mộc và sông Lam, phía bên có núi Quyết, đều là hào và thành thiên nhiên. Ở giữa thành, còn dấu thành trong, và nền nhà. Nhất là có nền cao ba bậc ở phần bắc, mà ngày sau, đời Nguyễn dùng làm nền xã tắc. Chắc đó là chỗ Quang Trung ngự triều trong khi tạm nghỉ ở Nghệ An.”

Về ngoại giao, ngay từ trước khi giao chiến với quân Thanh, Quang Trung đã tính đến chiến lược ngoại giao với nhà Thanh. Theo phương lược vạch sẵn, với tài ngoại giao khéo léo của Ngô Thì Nhậm, Tây Sơn nhanh chóng bình thường hóa bang giao với nhà Thanh. Vua Thanh Càn Long đã cho sứ giả vào tận Phú Xuân để phong vương cho Nguyễn Huệ; rồi hoàng đế Quang Trung giả đã sang triều kiến và dự lễ mừng thọ 80 tuổi của vua Càn Long nhà Thanh.

Việc nhà Thanh công nhận nhà Tây Sơn khiến Lê Duy Kỳ (Chiêu Thống) phải uất hận chết ở Trung Quốc cuối năm 1792.

Dẹp Lê Duy Chi, tấn công Vạn Tượng

Quân Thanh, lực lượng cứu trợ cho nhà Lê bị đánh tan nhưng các lực lượng thân nhà Lê vẫn tiếp tục hoạt động ở phía bắc khiến vua Quang Trung tiếp tục phải đánh dẹp. Em Lê Duy Kỳ là Lê Duy Chi được sự hợp tác của các tù trưởng Hoàng Văn Đồng, Nông Phúc Tấn đẩy mạnh hoạt động ở Cao Bằng, Tuyên Quang. Duy Chi tìm cách liên kết với các tù trưởng người Vạn Tượng (vương quốc Viêng Chăn thời vua (Chao) Nanthasen (tức Chiêu Nan) và vua (Chao) Intharavong Setthathirath III (tức Chiêu Ấn)) để chống Tây Sơn. Nước Xiêm La khi đó cũng muốn trả thù Tây Sơn sau Trận Rạch Gầm – Xoài Mút nên tìm cách khống chế nước Vạn Tượng và tràn sang tác động tới các tù trưởng người Việt ở Trấn Ninh, Quy Hợp xứ Nghệ An và liên lạc với cựu thần nhà Lê là Trần Phương Bính. Mặt khác, Xiêm La cũng liên lạc với Nguyễn Ánh ở Gia Định để cùng Duy Chi tổ chức tấn công Tây Sơn. Theo kế hoạch này, quân Duy Chi sẽ đánh xuống từ Cao Bằng, Nguyễn Ánh đánh lên từ Gia Định, còn quân Vạn Tượng và Xiêm sẽ đánh vào Thanh Hóa, Nghệ An.

Đứng trước nguy cơ bị tấn công từ ba mặt, sau khi thực hiện thành công việc bang giao với nhà Thanh, đầu năm 1791, Quang Trung tập trung đối phó với Lê Duy Chi và quân Vạn Tượng – Xiêm. Ông sai sứ sang Trấn Ninh, Quy Hợp để thăm dò tình hình nhưng bị vua Vạn Tượng bắt giữ và nộp cho Xiêm La. Xiêm La sai sứ mang cờ và trống của Tây Sơn vào Gia Định cho Nguyễn Ánh để khuyến khích Ánh ra quân.

Quang Trung quyết định ra quân. Ông sai hoàng tử Nguyễn Quang Thùy đang trấn thủ Thăng Long cùng các tướng Bắc Hà mang quân đánh Lê Duy Chi; sai Trần Quang Diệu và Lê Trung mang quân đánh Trấn Ninh, Quy Hợp. Quang Thùy đánh lên Cao Bằng nhanh chóng đánh bại và bắt được cả Lê Duy Chi, Hoàng Văn Đồng và Nông Phúc Tấn mang về Thăng Long xử tử.

Ở phía tây, Trần Quang Diệu cũng nhanh chóng diệt được Trần Phương Bính ở ven núi Hồng Lĩnh. Tới tháng 6 năm 1791, Quang Diệu mang 3 vạn quân sang Trấn Ninh bắt được các tù trưởng thiệu Kiểu, thiệu Đế. Tháng 8 năm đó, Quang Diệu đánh bại Quy Hợp. Tháng 10, quân Tây Sơn tiến sang Vạn Tượng. Vua Vạn Tượng là Chao Nan (Chao Nanthasen) không chống nổi phải bỏ trốn sang Xiêm. Quang Diệu tiến vào Viên-chăn đến tận biên giới Xiêm, các tướng Vạn Tượng là tả phan Dung, hữu phan Siêu tử trận. Tháng 10/1791, Tây Sơn chiếm xong Vạn Tượng.

Nguyễn Ánh ở Gia Định không dám ra quân. Chân Lạp là đồng minh của Tây Sơn cũng chuẩn bị lực lượng để phối hợp nếu quân Tây Sơn vượt biên giới Vạn Tượng tiến vào Xiêm hoặc Gia Định khiến các giáo sĩ ở Gia Định lo sợ, chuẩn bị tìm đường chạy. Nhưng Trần Quang Diệu đi đánh xa lâu ngày, được lệnh rút về.

Đầu năm 1792, quân Tây Sơn trở về Đại Việt. Không lâu sau, lực lượng phù Lê của Trần Quang Châu ở Kinh Bắc cũng bị tiêu diệt.

Giữa năm 1792, Quang Trung đã gửi thư đến Càn Long cầu hôn một nàng công chúa Thanh triều và “xin” hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Ông cũng sai đô đốc Vũ Văn Dũng làm chánh sứ sang triều kiến vua Càn Long. Tuy nhiên, dự định không thực hiện được vì cái chết đột ngột và bí ẩn của ông. (Xem bài viết về Nguyễn Huệ)

Dự định chinh phục Gia Định, thống nhất đất nước

Việc Quang Trung chiếm Vạn Tượng chỉ trong mấy tháng đã làm rung động cả ba thế lực là Xiêm – Cao Miên và Nguyễn Ánh. Tháng 4/1792, vua Xiêm viết thư đề nghị Nnguyễn Ánh chung sức chống Tây Sơn, nhưng nhân tiện lại đòi Nguyễn Ánh cắt đất Long Xuyên, Kiên Giang và Ba Xắc để làm điều kiện. Nguyễn Ánh trả lời là không nhường đất, nhưng chấp nhận đề nghị của vua Xiêm là hợp lực đánh Tây Sơn. Thư trả lời của Nguyễn Ánh có viết: “Vương (vua Xiêm) thì đem trọng binh đánh Nghệ An. Giặc giữ Nghệ An thì vương đánh ngả trước, quả nhân (chỉ Nguyễn Ánh) đánh ngả sau; nếu giặc giữ Phú Xuân thì vương quấy rối ở ngả sau, quả nhân đánh ngả trước, đầu đuôi giáp đánh thì giặc không còn đi đâu được nữa”

Sau khi Nguyễn Ánh tấn công chớp nhoáng tiêu diệt thuỷ quân của Nguyễn Nhạc ở Thị Nại tháng 7-8/1792, Quang Trung quyết định thực hiện một chiến dịch lớn nhằm tiêu diệt tận gốc thế lực của Nguyễn Ánh. Ông truyền hịch cho dân hai miền Quảng Ngãi và Quy Nhơn, trước khi hành quân để đánh vào Gia Định.

kế hoạch của vua Quang Trung là: điều động 20 – 30 mươi vạn quân thuỷ bộ; bộ binh theo đường núi qua Lào đánh xuống Cao Miên, chiếm mặt sau Sài Gòn; thuỷ binh vào cửa bể Hà Tiên đánh lên Long Xuyên, Kiên Giang, chiếm mặt trước Sài Gòn. Kẹp quân Nguyễn Ánh vào giữa để bao vây tiêu diệt, không để cho đối phương có đường trốn thoát.

Trong lúc tình hình hết sức khẩn cấp, Bá Đa Lộc và những sĩ quan Pháp trong quân Nguyễn Ánh liệu thế không chống đỡ nổi Quang Trung, tính chuyện bỏ trốn. Trong thư gửi cho M. Létondal ngày 14/9/1791, giám mục Bá Đa Lộc viết: “… Nhà vua đã không biết lợi dụng cơ hội mà ông ta có được để đánh bại kẻ thù, mà lại để chúng có thì giờ hoàn hồn và chúng thấy rõ tất cả những đồn đại về việc người Âu đến giúp chỉ là chuyện hão. Ông ta (Nguyễn Ánh) bắt dân đóng thuế và làm dịch vụ nặng nề, và lúc này, dân chúng bị nạn đói đe dọa nên họ có vẻ mong quân Tây Sơn đến. Trong tình trạng hiện thời, nếu chúng quả quyết đến tấn công, thì nhà vua khó có thể đương đầu lại đầu được… Tôi rất sợ không đi kịp trước khi tai họa xẩy ra cho nhà vua, nếu có sự ấy.”

Kế hoạch đang chuẩn bị thì ngày 16/9/1792, vua Quang Trung băng hà.

SỰ SỤP ĐỔ CỦA NHÀ TÂY SƠN

Pháp trợ giúp Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định

Kể từ năm 1787, với sự giúp đỡ mạnh mẽ hơn của người Pháp thông qua giám mục Pigneau de Béhaine (tức Bá Đa Lộc), Nguyễn Ánh quay trở lại Gia Định. Trước đó, ngày 25 tháng 1 năm 1787, Bá Đa Lộc (giáo sĩ người Pháp làm cố vấn cho Nguyễn Ánh) đã thay mặt Nguyễn Ánh ký Hiệp ước Versailles (1787) với Pháp. Theo đó, vua Pháp đồng ý cử sang 4 chiếc tàu chiến và một đạo binh: 1.200 lục quân, 200 pháo binh, 250 lính da đen ở Phi Châu (Cafres) và đủ các thứ súng ống thuốc đạn để đánh Tây Sơn. Ngược lại, sau khi chiến thắng, Nguyễn Ánh phải nhường đứt cho nước Pháp cửa Hội An (Faifo) và đảo Côn Lôn (Poulo-Condore), chủ quyền các vùng đất đó sẽ vĩnh viễn thuộc về nước Pháp ngay lúc quân đội Pháp chiếm đóng hòn đảo nói trên. Đúng lúc đó thì nước Pháp xảy ra Cách mạng, vua Pháp không thực hiện Hiệp ước nhưng Bá đa lộc đã kêu gọi các thương nhân người Pháp trợ giúp cho Nguyễn Ánh.

Các hoạt động quyên góp tiền sau này hay xây dựng, sửa sang thành Gia Định, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên, Biên Hòa, Bà Rịa, huấn luyện cơ đội pháo thủ, tổ chức bộ binh và rèn luyện tập binh lính theo lối châu Âu, trung gia mua tàu chiến và vũ khí… đều có sự góp sức của những người Pháp mà do Bá Đa Lộc chiêu mộ, kêu gọi. Việc củng cố Gia Định cộng thêm sự giúp đỡ của người Pháp đã giúp cho thế lực của Nguyễn Ánh ngày càng mạnh, có thể đối đầu với Tây Sơn.

Nhà nghiên cứu Maybon, trong cuốn sách “La Relation Bissachère và Histoire moderne du pays d’Annam”, in năm 1920 tổng kết công trạng của những người Pháp do Bá Đa Lộc chiêu mộ trong việc trợ giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn như sau:

“Vai trò của nhóm người can đảm đếm trên đầu ngón tay này, trong sự thiếu vắng thông tin mong đợi, không thể xác định được một cách chi tiết. Nhưng không thể chối cãi được rằng họ đã góp phần lớn lao vào chiến thắng của Nguyễn Ánh. Ấy là chưa kể đến phần của họ trong những trận đánh quan trọng như trận tiêu diệt hạm đội của Tây Sơn năm 1792 và những trận dẫn đến chiến thắng Huế năm 1801. Người ta không khỏi khâm phục công trình tạo mà họ đã thực hiện trong những điều kiện không mấy thuận lợi: họ đã xây dựng một nền hải quân theo lối Tây phương và thành lập đội ngũ thủy binh; họ đã huấn luyện quân đội, họ đã đưa kỷ luật vào quân đội, thành lập những cấp chỉ huy; họ đã đúc đại bác, dạy cho người An Nam cách dùng trái phá, họ đã tạo ra đội ngũ pháo binh lưu động mà sự di chuyển đã khiến quân Tây Sơn khiếp viá; họ đã xây dựng những thành đài”

Trong lúc Nguyễn Huệ bận đối phó tình hình Bắc Hà, Nguyễn Lữ qua đời, Nguyễn Nhạc bất lực, Ánh nhanh chóng chiếm lại đất đai ở Nam Bộ rồi đánh lấn ra Diên Khang, Bình Thuận – đất của Nguyễn NhạcNguyễn Nhạc già yếu không cứu được chỉ còn lo giữ Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Phú Yên.

Khi nghe tin quân Thanh giúp Chiêu Thống sang đánh Tây Sơn và đã tiến chiếm Thăng Long, Nguyễn Ánh từng sai người chở 50 vạn cân gạo ra giúp quân Thanh để có thêm thế lực trợ giúp việc đánh Tây Sơn, nhưng thuyền đi giữa đường bị đắm hết.

Gia tộc bị chia rẽ

Sau khi được anh trai là Nguyễn Nhạc trao lại binh quyền, vua Quang Trung đang định chuẩn bị đem quân vào Nam đánh Gia Định thì đột ngột qua đời (1792). Con là Nguyễn Quang Toản còn nhỏ tuổi lên nối ngôi, tức là vua Cảnh Thịnh. Không có người lãnh đạo đủ năng lực, nhà Tây Sơn nhanh chóng suy yếu. Nội bộ xảy ra tranh chấp, quyền hành rơi vào tay ngoại thích Bùi Đắc Tuyên.

Năm 1793, Nguyễn Ánh đem quân đánh Nguyễn NhạcNguyễn Nhạc cầu cứu ra triều đình Phú Xuân. Quang Toản sai Ngô Văn SởPhạm Công Hưng đem 17.000 quân và 80 thớt voi vào cứu, quân Nguyễn Ánh rút lui. Quân Phú Xuân nhân đó lại chiếm luôn đất đai của Nguyễn Nhạc. Lúc đó Nguyễn Nhạc đang bệnh trên giường, nghe tin đất phong của con mình là Nguyễn Văn Bảo bị chiếm mất thì uất quá thổ huyết mà qua đời. Quang Toản an trí Nguyễn Văn Bảo ra huyện Phù Ly, phế làm Hiếu Công và cai quản toàn bộ đất đai của dòng trưởng.

Tuy nhiên nội bộ Tây Sơn lại mâu thuẫn, các tướng tranh quyền. Vũ Văn Dũng giết Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở (1795), Quang Toản nhỏ tuổi nên không làm gì được. Trần Quang Diệu đang đi đánh Nguyễn Ánh, nghe tin bị nghi oan đành rút quân về. Nguyễn Văn Bảo cùng các tướng cũ nổi dậy chiếm Quy Nhơn nhưng bị dập tắt và giết chết. Lê Trung bị nghi ngờ sau đó bị giết, Nguyễn Văn Huấn cũng bị giết.

Tây Sơn sụp đổ

Biến loạn tạm thời dẹp yên nhưng đã làm chính quyền Tây Sơn suy sụp. Do Quang Toản đã giết Lê Trung trong vụ biến loạn tại Phú Xuân nên con rể Trung là Lê Chất bỏ sang hàng Nguyễn Phúc Ánh. Ánh nhân thời cơ đó ra sức Bắc tiến.

Năm 1800, Nguyễn Ánh chiếm được Quy Nhơn, tướng Vũ Tuấn đầu hàng. Quang Toản sai Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đem quân vào chiếm lại. Tướng của Nguyễn Ánh là Võ Tánh tử thủ cầm chân hai danh tướng Tây Sơn trong hơn một năm. Năm 1801, Nguyễn Ánh nhận thấy tinh binh Tây Sơn đều tập trung cả ở chiến trường Quy Nhơn nên mang quân chủ lực vượt biển ra đánh Phú Xuân. Quang Toản thua trận bỏ chạy ra Bắc.

Đầu năm 1802, Tây Sơn chiếm lại thành Quy Nhơn, Võ Tánh tự vẫn. Nhưng lúc đó Nguyễn Ánh đã ồ ạt Bắc tiến tới Nghệ An. Trần Quang Diệu vội mang quân ra cứu, bị quân Nguyễn chặn đường, phải vòng qua đường Vạn Tượng (Lào). Tới Nghệ An thì thành đã mất, quân sĩ bỏ chạy gần hết, vợ chồng Trần Quang Diệu – Bùi Thị Xuân bị bắt, Vũ Văn Dũng không biết trốn đi đâu.

Giữa năm 1802 Nguyễn Ánh tiến ra chiếm được Thăng Long, Quang Toản không chống nổi, bỏ chạy và bị bắt. Nguyễn Ánh đã trả thù gia đình Quang Toản những người theo Tây Sơn vô cùng tàn bạo: Quang Toản bị 05 ngựa xé xác. Mộ của vua Thái Đức và vua Quang Trung bị quật lên, hài cốt bị giã thành bột nhồi vào thuốc súng và bắn đi, hộp sọ bị bỏ vào vò và giam trong ngục (Những người thương tiếc Tây Sơn vẫn gọi là “Ông Vò”). Nữ tướng Bùi Thị Xuân và con gái bị voi giày, Trần Quang Diệu do thờ mẹ già 80 tuổi có hiếu nên không bị hành hình quá dã man mà chỉ bị chém đầu.

Nhà Nguyễn ra sức truy sát những quan lại và hậu duệ của nhà Tây Sơn. Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), quan quân nhà Nguyễn vẫn tiếp tục truy tìm hậu duệ của Tây Sơn, bắt được Nguyễn Văn Đức (con trai Nguyễn Nhạc) và Nguyễn Văn Đâu. Đâu là con của Đức, cả hai đều bị chém ngang lưng. Nhà Tây Sơn có còn sót lại hậu duệ nào hay không, đến nay vẫn chưa rõ ràng.

(Theo Người Kể Sử – History of Vietnam)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.