Sản phẩm cơ khí trong công thức tạo nên thương hiệu, trong sự phát triển của thị trường và liệu rằng đã có những con đường đi đúng đắn?
Hiện trạng trong việc xây dựng thương hiệu
Ô tô cá nhân mang thương hiệu Việt từng là giấc mơ của người Việt Nam trong rất nhiều năm, sau khi nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này thất bại. Tuy nhiên, Vinfast đã thay đổi “cuộc chơi” ôtô cá nhân khi chỉ trong vòng 21 tháng đã đưa ra thị trường ôtô mang thương hiệu Việt Nam. Đến nay, cho dù còn nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận với mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, phù hợp với người Việt, ô tô Vinfast là một sự lựa chọn đáng cân nhắc của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đức Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hikari Việt Nam, những năm qua ngành cơ khí Việt Nam đã có sự phát triển tương đối mạnh mẽ. Trong đó phải kể đến một số DN trong lĩnh vực ô tô như Vinfast, Thaco… Tuy nhiên, thực tế, số lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt, rõ nét dấu ấn Việt Nam vẫn chưa nhiều. Nhiều DN lớn trong chuỗi cung ứng vẫn coi cơ khí Việt Nam chỉ là sản phẩm phụ trợ.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), hiện số lượng DN cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh khoảng 25.014 DN, chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến chế tạo và tạo việc làm cho trên một triệu lao động.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất ít sản phẩm cơ khí Việt Nam xây dựng thành công thương hiệu. Các DN cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành sản phẩm còn cao, tính cạnh tranh của sản phẩm kém, gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Dù chiếm tỷ lệ lớn trong ngành chế biến chế tạo, nhưng theo Bộ Công thương, cơ khí trong nước mới đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, trong khi đó mục tiêu đề ra phải đáp ứng được từ 45 – 50% nhu cầu sản xuất trong nước từ năm 2010.
Lý giải thực tế trên, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thứ nhất, các DN cơ khí Việt Nam, tính liên kết còn hạn chế. Thứ hai, DN vẫn phải đi vay lãi suất thương mại 8-9%/năm, là mức lãi suất khá lớn, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm thì đó là vấn đề lớn.
“Về nguyên nhân chủ quan, mặc dù Nhà nước có nhận diện đây là ngành quan trọng, nhưng việc ban hành cơ chế chính sách thực sự thúc đẩy hiệu quả sự phát triển của DN còn hạn chế”, ông Nguyễn Ngọc Thành chỉ ra.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải phân tích thêm, hiện nay chính sách thuế nhập khẩu đang tồn tại bất cập rất lớn, đó là thuế suất nhập khẩu nguyên liệu, vật tư đang cao hơn thuế suất nhập khẩu linh kiện và thành phẩm, dẫn đến sản phẩm sản xuất trong nước chưa thể cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu cùng loại.
Hỗ trợ mạnh hơn cho sản phẩm cơ khí
Về phía DN, ông Trần Bá Dương kiến nghị, Chính phủ và các Bộ ngành cần xem xét miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được để giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp ôtô và cơ khí. Bên cạnh đó, không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng ôtô sản xuất trong nước nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ôtô và công nghiệp cơ khí trong nước.
“Cơ quan chức năng cũng cần triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa các DN trong nước và các DN lớn trên thế giới để tạo dựng thị trường, tiếp cận, đầu tư đổi mới công nghệ, tiêu chuẩn hóa sản phẩm và tham gia chuỗi giá trị với các sản phẩm có lợi thế, đáp ứng nhu cầu trong nước và đủ sức cạnh tranh để xuất khẩu”, ông Dương chia sẻ.